Kinh nghiệm điều trị ung thư vú theo từng giai đoạn 0, 1, 2, 3, 4

5/5 - (1 bình chọn)

Bệnh ung thư vú giai đoạn đầu có thể điều trị khỏi và ở các giai đoạn sau nếu có phác đồ điều trị phù hợp thì tiên lượng sống cũng khá cao. Vậy kinh nghiệm điều trị ung thư vú nào mà bệnh nhân và người nhà nên biết? Nếu bạn đang băn khoăn điều này, hãy cùng tìm hiểu những kinh nghiệm chi tiết sau đây để sẵn sàng “đương đầu” với hành trình điều trị ung thư vú đầy chông gai này.

1. Kinh nghiệm chung khi điều trị ung thư vú

Việc tìm hiểu kỹ những “hành trang” là thông tin, kiến thức, kinh nghiệm điều trị ung thư vú từ những người đi trước sẽ giúp cho bệnh nhân và người nhà có được quá trình điều trị hiệu quả nhất. Với điều trị ung thư vú ở bất kỳ giai đoạn nào thì người bệnh và người nhà cũng cần nhớ:

  • Chuẩn bị tâm lý vững vàng: Không chỉ người bệnh mắc ung thư vú cần chuẩn bị tâm lý kiên định mà người thân trong gia đình cũng vậy. Ở thời điểm này, người thân nên cùng đồng hành, hỗ trợ với người bệnh để giải tỏa cảm xúc lo âu, sợ hãi và có niềm tin vào phác đồ điều trị của bác sĩ để đạt được kết quả cao nhất.
  • Chuẩn bị kế hoạch rõ ràng trước buổi thăm khám và điều trị: Bệnh nhân và người nhà nên chú ý việc ghi chép lại các lịch trình, lịch hẹn khám, tái khám và những lời dặn dò của bác sĩ để đảm bảo quá trình chăm sóc điều trị diễn ra suôn sẻ nhất.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học trước, trong và sau điều trị: Điều trị ung thư luôn là một quá trình chiến đấu lâu dài. Vì thế bệnh nhân cần chú ý chăm sóc và nâng cao sức khỏe của mình để hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị và giảm nhẹ triệu chứng của tác dụng phụ.
  • Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ: Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc, thay đổi liều lượng hoặc thay đổi thuốc mà không tham khảo ý kiến từ bác sĩ. Đây là một trong những yếu tố hết sức quan trọng giúp  đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
  • Tìm hiểu kỹ tác dụng phụ có thể gặp phải khi điều trị: Người bệnh nên tham khảo bác sĩ về tác dụng phụ trong điều trị. Điều này sẽ giúp bạn có thể nhận biết sớm và xử lý nhanh chóng và hợp lý nhất những triệu chứng bệnh có thể xảy ra.
  • Nên chọn đơn vị điều trị ung thư tuyến giáp có Hội đồng Hội chẩn đa chuyên khoa (Tumor Board) để đưa ra được phác đồ điều trị tối ưu với từng người bệnh. Cơ sở khám chữa bệnh có Hội đồng Hội chẩn đa chuyên khoa có thể kể đến như: Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, Bệnh viện K…
Kinh nghiệm điều trị ung thư
Nắm vững những kinh nghiệm giúp công cuộc chiến đấu với bệnh ung thư vú đạt hiệu quả cao nhất

Trên đây là những kinh nghiệm điều trị ung thư vú mà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ung thư vú nên biết và ghi nhớ. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn ung thư vú mà sẽ có những kinh nghiệm khác nhau. Để biết rõ hơn mỗi giai đoạn cần lưu ý gì, bạn hãy xem chi tiết ở phần tiếp theo.

Điều trị ung thư vú bằng hóa chất có hiệu quả không?

2. Kinh nghiệm điều trị ung thư vú giai đoạn 0 – tiền xâm lấn

Ung thư vú giai đoạn 0 là giai đoạn tiền xâm lấn khi các khối u vẫn chỉ giới hạn trong ống dẫn sữa nên tiên lượng sống rất tốt, tỷ lệ chữa khỏi là 100%, vì thế người bệnh không cần quá lo lắng. Giai đoạn này thường được gọi chung là ung thư không xâm lấn hoặc ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ (DCIS).

Ở giai đoạn 0 này phương pháp điều trị và chăm sóc sẽ khác với liệu pháp điều trị ở các giai đoạn sau. Lúc này để loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư, các bác sĩ sẽ thường chỉ định:

  • Chỉ phẫu thuật cắt bỏ nang
  • Phẫu thuật cắt bỏ nang kết hợp điều trị phóng xạ
  • Phẫu thuật cắt bỏ vú
Phẫu thuật ung thư vú
Ung thư vú giai đoạn 0 thường được chỉ định phẫu thuật

Với điều trị ung thư vú giai đoạn 0 này, bệnh nhân và người nhà cần lưu ý các kinh nghiệm sau:

Trước điều trị:

  • Chuẩn bị tâm lý tốt, không nên quá lo lắng: Như đã nhắc đến ở phần trên, tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú ở giai đoạn này là rất cao, vì thế người bệnh nên giữ tinh thần luôn lạc quan và tin tưởng vào bác sĩ và phác đồ điều trị.
  • Chuẩn bị chi phí điều trị phù hợp: Phụ thuộc vào từng ca bệnh mà chi phí sẽ khác nhau, nhưng nhìn chung ở giai đoạn này sẽ mất 10 – 20 triệu đồng. Trong đó các chi phí tối thiểu là chi phí xét nghiệm (1,5 – 2 triệu đồng), chi phí phẫu thuật (6 – 10 triệu đồng), chi phí đi lại, sinh hoạt…
  • Chú ý chăm sóc trước điều trị: Người nhà nên chú ý các tư vấn từ các bác sĩ, điều dưỡng như nhịn ăn trước khi phẫu thuật 6 – 8 giờ, vệ sinh thân thể,… nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình điều trị.
  • Hiểu rõ về tỷ lệ tái phát: Cắt bỏ khối u ở ung thư vú sau đó có khoảng 3% – 15% nguy cơ tái phát cục bộ trong vòng 10 năm. Vì thế người bệnh cần định kỳ thăm khám theo chỉ định của bác sĩ.

Trong điều trị:

  • Tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.
  • Thực hiện đúng các dặn dò, lưu ý khi tiến hành phẫu thuật.

Sau điều trị:

  • Thực hiện chế độ chăm sóc sau điều trị theo hướng dẫn: Việc chăm sóc và theo dõi quá trình hồi phục là rất quan trọng để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị và phát hiện sớm tình trạng ung thư tái phát.
  • Nắm rõ các biến chứng nào cần báo ngay cho bác sĩ: Nếu bệnh nhân thấy các dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ như sưng nề, tiết dịch nhờn, sốt, đau… thì cần thông báo ngay với bác sĩ để được xử lý kịp thời.
  • Có chế độ dinh dưỡng khoa học: Chế độ ăn cần cân đối thịt, cá, trứng, sữa, ngũ cốc, gạo, ăn nhiều rau và trái cây,… nhằm cung cấp đủ đạm, bột đường, Vitamin và nhiều khoáng chất cần thiết cho cơ thể phục hồi.
  • Tập thể dục thường xuyên: Bệnh nhân cần xây dựng chế độ vận động thích hợp để tăng cường sức khỏe. Một số bài tập phù hợp như hít thở sâu, đi bộ,… các bài tập sử dụng tới cánh tay nên luyện tập theo khả năng và hướng dẫn của bác sĩ.
Ung thư vú
Ung thư vú giai đoạn 0 cần chú trọng bổ sung tăng cường sức khỏe sau điều trị

Có thể bạn quan tâm:

3. Kinh nghiệm điều trị ung thư vú giai đoạn 1, 2 – Giai đoạn đầu

Ung thư vú giai đoạn đầu là giai đoạn sớm nhất của ung thư vú xâm lấn. Những khối u trong mô vú nhỏ, và có thể lan đến hạch bạch huyết nhưng chưa di căn hay xâm lấn đến các cơ quan khác. Vì vậy, tiên lượng ở giai đoạn này còn khá cao và tỷ lệ chữa khỏi trung bình có thể lên đến 90%.

Trong giai đoạn này, tùy theo kích thước khối u và sự xâm lấn của khối u đến hạch bạch huyết mà được chia làm các nhóm như sau:

  • Giai đoạn 1A: Khối u có kích thước nhỏ hơn 2cm và chưa lan đến hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 1B: Khối u có kích thước nhỏ hơn 2cm hoặc không tìm thấy khối u trong vú và đồng thời đã xuất hiện cụm tế bào ung thư có kích thước từ 0.2mm – 2.0mm ở các hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 2A: Khối u có kích thước tử 2cm – 5cm và chưa xâm lấn đến hạch bạch huyết. Hoặc khối u nhỏ hơn 2cm, hoặc không tìm thấy khối u và đồng thời có ít hơn 4 hạch bạch huyết ở nách có tế bào ung thư.
  • Giai đoạn 2B: Khối u có kích thước từ 2cm – 5cm và có tìm thấy tế bào ung thư ở ít hơn 4 hạch bạch huyết ở nách. Hoặc kích thước khối u lớn hơn 5cm và đồng thời tế bào ung thư chưa lan đến hạch bạch huyết.

Phương pháp điều trị chính trong ung thư vú giai đoạn này vẫn là phẫu thuật, tuy nhiên trong phác đồ điều trị thường kết hợp thêm các phương pháp khác, cụ thể:

  • Phẫu thuật bảo tồn vú hoặc phẫu thuật cắt bỏ vú.
  • Phẫu thuật kết hợp xạ trị sau phẫu thuật.
  • Bệnh nhân dương tính với thụ thể hormon có thể được chỉ định thêm liệu pháp bổ trợ đó là liệu pháp hormon.

Xạ trị thường được kết hợp sau phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 1, 2

Điều trị ung thư vú giai đoạn 1, 2 thường kết hợp thêm các liệu pháp điều trị khác nhau vì vậy bệnh nhân và người nhà cần nắm rõ nhiều kinh nghiệm hơn. Cụ thể, bên cạnh những kinh nghiệm về phẫu thuật đã trình bày ở trên thì dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp thêm những kinh nghiệm khi điều trị bằng xạ trị như sau:

Trước điều trị:

  • Chuẩn bị tinh thần: Tỷ lệ chữa khỏi ở giai đoạn đầu này vẫn khá cao vì vậy người bệnh vẫn cần duy trì tinh thần lạc quan, tin tưởng và tuân thủ theo liệu trình điều trị.
  • Chuẩn bị chi phí phát sinh: Ngoài chi phí phẫu thuật và xét nghiệm (~10 – 20 triệu đồng), thì trong giai đoạn này còn cần chuẩn bị thêm trung bình 3 – 7 triệu đồng cho mỗi đợt xạ trị, và chi phí cho liệu pháp hormon tùy thuộc theo chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, tổng chi phí có thể lên tới hơn 30 triệu đồng.
  • Chăm sóc trước điều trị: Kết hợp thêm xạ trị sau phẫu thuật giúp loại bỏ các tế bào ung thư vú còn sót lại, tuy nhiên phương pháp điều trị này cũng khiến cơ thể người bệnh mệt mỏi và gặp nhiều tác dụng phụ hơn. Do đó, tìm hiểu và xây dựng kế hoạch chăm sóc trước điều trị là việc rất cần thiết đối với người nhà bệnh nhân để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh trong những đợt điều trị sau này.
  • Một số tác dụng phụ có thể gặp phải: Sau xạ trị người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ phổ biến như: Da khô, ngứa, đau hoặc khó chịu vùng vú, cơ thể mệt mỏi,…

Trong điều trị:

  • Người bệnh cần ghi nhớ và thực hiện các quy trình điều trị như tư thế nằm, hít thở nhẹ, không di chuyển bất kỳ bộ phận nào,… theo đúng chỉ dẫn trong quá trình xạ trị.
  • Cần giữ tinh thần lạc quan, tin tưởng và phối hợp với bác sĩ trong suốt quá trình điều trị.

Sau điều trị:

  • Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị: Phần da sau chiếu xạ dễ bị tổn thương, viêm loét vì thế bệnh nhân và người nhà cần thực hiện theo đúng hướng dẫn như cách vệ sinh phần da bị chiếu xạ, tránh cọ xát vào vùng da chiếu xạ,…
  • Chế độ dinh dưỡng: Các đợt xạ trị có thể kéo dài từ 5 đến 6 tuần, vì vậy bệnh nhân cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng để cho những đợt điều trị tiếp theo.
  • Chế độ vận động phù hợp: Luyện tập các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho các đợt điều trị.
Xạ trị
Xạ trị thường được kết hợp sau phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 1, 2

4. Kinh nghiệm điều trị ung thư vú giai đoạn 3 – giai đoạn tiến triển cục bộ

Ở giai đoạn 3 tế bào ung thư đã lan ra ngoài khối u, các tế bào này có thể đã xâm lấn các hạch bạch huyết nhưng chưa lan đến các cơ quan ở xa. Do đó, bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 3 có tỷ lệ sống sau 5 năm là khoảng 72-75% và tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến 60% nếu phát hiện sớm.

Dựa vào kích thước khối u, và mức độ xâm lấn đến hạch bạch huyết mà giai đoạn 3 được chia làm 3 nhóm:

  • Giai đoạn 3A: Có thể có hoặc không có khối u bên trong vú và từ 4 đến 9 hạch bạch huyết ở nách, hạch bạch huyết gần xương ức đã tìm thấy tế bào ung thư. Hoặc có khối u lớn hơn 5cm ở vú và trong hạch bạch huyết có tế bào ung thư từ 0.2mm đến 2.0cm. Hoặc có khối u lớn hơn 5cm, ung thư đã lan từ 1 đến 3 hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 3B: Khối u có kích thước bất kỳ và đã xâm lấn đến thành ngực gây sưng loét, hoặc lan đến ít nhất 9 hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 3C: Có hoặc không có khối u và ung thư xâm lấn đến thành ngực, da của vú, hoặc lan đến 10 hạch bạch huyết ở nách, xương đòn, xương ức.

Phương án điều trị cho ung thư vú giai đoạn 3 có sự khác biệt với các giai đoạn đầu: 

  • Hóa trị liệu bổ trợ để thu nhỏ khối u, tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật.
  • Nếu khối có kích thước lớn sẽ thực hiện phẫu thuật cắt bỏ vú.
  • Xạ trị, liệu pháp hormone, điều trị HER2 dương tính,…
Phẫu thuật
Phẫu thuật vẫn là chỉ định phổ biến trong điều trị ung thư vú giai đoạn 1, 2

Với điều trị ung thư vú giai đoạn 3, người bệnh và người thân trong gia đình cần lưu ý những kinh nghiệm sau:

Trước điều trị:

  • Chuẩn bị tâm lý vững vàng: Giai đoạn này tế bào ung thư vú có sự xâm lấn và tiến triển nhanh hơn xong nếu phối hợp liệu pháp điều trị và chăm sóc đúng cách thì vẫn có thể đạt được hiệu quả điều trị cao. Vì vậy cần động viên, quan tâm đến cảm xúc, tinh thần người bệnh, giúp người bệnh có tâm lý vững vàng, luôn tin tưởng và tuân thủ phác đồ điều trị.
  • Chi phí điều trị có thể lên đến 100 triệu đồng, bao gồm chi phí hóa trị (50 – 60 triệu đồng), chi phí phẫu thuật (6 triệu đồng), chi phí xạ trị (3 – 7 triệu đồng), chi phí thuốc men, đi lại,…
  • Chăm sóc trước điều trị bằng hóa trị là điều rất quan trọng, vì hóa trị sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến cơ thể người bệnh. Do đó cần đảm bảo chế độ ăn, ngủ, nghỉ phù hợp giúp người bệnh tăng cường sức khỏe để đối mặt với các đợt hóa trị.
  • Nắm rõ tác dụng phụ sau hóa trị: Người bệnh sau điều trị bằng hóa chất thường gặp phải các tác dụng phụ như: chán ăn, buồn nôn, nôn, rụng tóc,…

Trong điều trị:

  • Chuẩn bị tinh thần vững chắc, tin tưởng vào phác đồ điều trị.
  • Đến điều trị hóa trị theo đúng thời gian trong phác đồ.

Sau điều trị:

  • Những lưu ý cần biết sau hóa trị: Chế độ tăng cường miễn dịch và hạn chế tổn thương tránh nguy cơ viêm nhiễm là rất cần thiết trong điều trị ung thư vú giai đoạn này. Một số điểm cần lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày: Không bỏ bữa, ngủ đủ giấc, vệ sinh sạch sẽ, cẩn thận các vật dụng nhọn sắc tránh để bị thương,…
  • Chế độ dinh dưỡng: Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho người bệnh. Bệnh nhân nên chia nhỏ bữa ăn, ăn đa dạng các thực phẩm như: Cá, thịt, sữa, ngũ cốc, rau xanh, trái cây, uống nhiều nước,… Kiêng các thực phẩm như rượu, bia, cafe, đồ ăn cay, chiên nhiều dầu mỡ,…
  • Chế độ vận động: Không nên lao động, mang vác nặng sau điều trị, tập các bài tập phục hồi nhẹ nhàng theo khuyến cáo của bác sĩ.
Hóa trị ung thư
Hóa trị liệu hỗ trợ thu nhỏ khối u trước phẫu thuật ở ung thư vú giai đoạn 3

5. Kinh nghiệm điều trị ung thư vú giai đoạn tiến triển hoặc xâm lấn – Giai đoạn IV

Đây là giai đoạn nặng của ung thư vú, ung thư đã di căn tới các bộ phận khác của cơ thể như não, gan, xương, phổi. Giai đoạn này bệnh tiến triển nặng, tỉ lệ bệnh nhân sống ít nhất 5 năm chỉ khoảng 27%. Ung thư vú giai đoạn IV không thể điều trị dứt điểm hoàn toàn, mục tiêu điều trị chủ yếu là kéo dài thời gian sống và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Các phương án điều trị thường được sử dụng ở giai đoạn này là:

  • Hóa trị là phương pháp điều trị chính trong ung thư vú giai đoạn cuối.
  • Một số liệu pháp bổ trợ thường được chỉ định: Liệu pháp hormon, liệu pháp nhắm trúng đích.
  • Phương pháp điều trị hỗ trợ: Giảm đau, an thần, kiểm soát nhiễm trùng,…
Chăm sóc trị liệu - kinh nghiệm điều trị ung thư vú
Chăm sóc sau điều trị giúp hỗ trợ phục hồi sức khoẻ hiệu quả cho người bệnh ung thư giai đoạn 3

Với mục tiêu giảm nhẹ và điều trị triệu chứng trong điều trị thì kinh nghiệm chung trong giai đoạn này như sau:

Trước điều trị:

    • Chăm sóc về mặt tinh thần cho người bệnh: Đây là việc rất quan trọng trong chăm sóc điều trị ung thư vú giai đoạn cuối này. Thay vì sớm đầu hàng số phận, người bệnh nên đến thăm khám, lắng nghe tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa để có tinh thần lạc quan và tin tưởng với phác đồ điều trị.
  • Chuẩn bị chi phí điều trị: Tùy thuộc theo các phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị và thuốc men, chi phí có thể khá cao, trung bình có thể lên đến khoảng 100 triệu đồng. Do đó gia đình người bệnh cần tìm hiểu và cân nhắc chuẩn bị.
  • Chăm sóc trước điều trị: Điều trị bằng hóa trị hay thuốc đều ảnh hưởng nhiều đến cơ thể người bệnh. Vì vậy hãy tham khảo ý kiến các chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống bổ sung dinh dưỡng thật đầy đủ cho người bệnh.

Trong điều trị:

  • Tích cực động viên tinh thần người bệnh.
  • Bệnh nhân và người nhà cần giữ thái độ tin tưởng vào phác đồ trị liệu.
  • Tuyệt đối tuân thủ theo liệu trình hóa trị của bác sĩ.

Sau điều trị:

  • Thực hiện chế độ chăm sóc sau điều trị theo hướng dẫn: Điều này là rất cần thiết để người bệnh được chăm sóc đúng cách, giảm thiểu tối đa những tác dụng phụ mà người bệnh phải chịu sau các đợt hóa trị, xạ trị hay ảnh hưởng của thuốc men.
  • Chế độ dinh dưỡng: Bổ sung các món ăn đa dạng để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho người bệnh.
  • Tập thể dục: Vận động nhẹ, luyện tập một số bài tập đơn giản trong điều kiện có thể của sức khỏe.
Hóa trị - kinh nghiệm điều trị ung thư vú
Hóa trị thường là chỉ định chính trong điều trị ung thư giai đoạn 4

Ngoài những kinh nghiệm điều trị ung thư vú theo từng giai đoạn thì một số thắc mắc phổ biến về điều trị ung thư vú đã được chúng tôi tổng hợp và giải đáp ngay sau đây.

6. Giải đáp thắc mắc về điều trị ung thư vú

Một số câu hỏi phổ biến mà người bệnh và người thân trong gia đình còn thắc mắc:

Câu 1: Ung thư vú sống được bao lâu?

Thời gian phát hiện bệnh càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi và tỷ lệ sống sót sau 5 năm càng cao. Bên cạnh đó việc đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, khả năng tuân thủ điều trị của bệnh nhân cao, chế độ chăm sóc phục hồi thích hợp thì thời gian sống và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng được cải thiện đáng kể.

Tỷ lệ sống sau 5 năm sau điều trị:

  • Giai đoạn 1: khoảng 98%
  • Giai đoạn 2: khoảng 90%
  • Giai đoạn 3: hơn 70%
  • Giai đoạn 4: khoảng 25%

Câu 2: Làm thế nào để người bệnh ung thư vú có được tinh thần thoải mái nhất?

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng người bệnh ung thư được hỗ trợ tinh thần tích cực thì sẽ có xu hướng thích nghi tốt hơn với những thay đổi mà bệnh ung thư mang lại. Nhờ những sự quan tâm, sẻ chia mà người bệnh có cái nhìn tích cực hơn, chất lượng cuộc sống và tinh thần tốt hơn.

Vì vậy, bạn có thể tham khảo một số cách sau để người bệnh ung thư vú có được tinh thần thoải mái nhất:

  • Dành thời gian quan sát, tìm hiểu thêm về tâm trạng, mức độ ảnh hưởng của bệnh đến người bệnh để hiểu hơn về tâm lý người bệnh.
  • Thường xuyên tâm sự, sẻ chia, lắng nghe người bệnh.
  • Hướng dẫn bệnh nhân một số bài tập như thiền, hít thở sâu, đi bộ,… giúp bệnh nhân vừa tăng cường sức khoẻ, vừa thư giãn đầu óc, tinh thần.
  • Đề xuất với người bệnh một số hoạt động thư giãn như đi dạo, đi mua sắm, đi xem phim,… giúp cải thiện tâm trạng người bệnh hiệu quả.

Câu 3: Ung thư vú có nên phẫu thuật không?

Điều trị ung thư vú các giai đoạn đầu, các bác sĩ thường khuyên nên phẫu thuật để loại bỏ khối u. Tuy nhiên tùy theo giai đoạn, diễn biến bệnh, tình trạng sức khỏe người bệnh,… mà bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất. Vì vậy hãy tham khảo tư vấn từ các bác sĩ, chuyên gia để có được liệu pháp điều trị phù hợp.

Câu 4: Ung thư vú di căn hạch nách có chữa được không?

Ung thư vú di căn hạch nách thường được chỉ định phẫu thuật cắt vú triệt căn và nạo vét hạch nách. Tiên lượng bệnh ở giai đoạn này còn phụ thuộc nhiều yếu tố như mức độ xâm lấn của khối u, số lượng hạch bị di căn, tình trạng sức khỏe của người bệnh…

Để tăng tỷ lệ chữa trị thành công, kéo dài thời gian và chất lượng cuộc sống, người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.

Trên đây là những chia sẻ về kinh nghiệm điều trị ung thư vú từ các bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt. Hy vọng bài viết có thể cung cấp nhiều thông tin đến bạn nhất để có những kinh nghiệm lên kế hoạch chăm sóc tốt nhất cho người bệnh ung thư vú.

Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề căn bệnh ung thư vú hãy gọi tới số hotline 094 230 0707 hoặc liên hệ đến fanpage Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt để được tư vấn chi tiết và nhanh chóng nhất nhé.

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

 

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt