Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu có biểu hiện khối u với đường kính dưới 2cm, vẫn nằm trong tuyến giáp và chưa lan đến các hạch bạch huyết cũng như các cơ quan khác. Quy trình điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn 1 sẽ khác nhau ở mỗi thể ung thư tuyến giáp nhú, nang, tủy hoặc không biệt hóa. Mời các bạn cùng theo dõi trong bài viết dưới đây!
Có thể bạn quan tâm: Hoá trị ung thư tuyến giáp: Vai trò – Chi phí – Tác dụng phụ
1. Điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn 1 ở thể biệt hóa
Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa gồm: Ung thư tuyến giáp thể nhú, ung thư tuyến giáp thể nang hoặc hỗn hợp nhú nang. Điều trị ung thư tuyến giáp biệt hóa gồm các phương pháp sau: phẫu thuật, xạ trị bằng Iod phóng xạ và điều trị nội tiết.
1.1 Phẫu thuật
Trong điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, phẫu thuật đóng vai trò quan trọng nhất, đem lại hiệu quả điều trị khả quan, đặc biệt là khi điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu.
Phẫu thuật một nửa tuyến giáp (cắt thùy giáp) hoặc toàn bộ tuyến giáp kết hợp nạo vét hạch cổ biến đổi (chỉ lấy những hạch di căn) là phương pháp tối ưu. Trừ các trường hợp ung thư tuyến giáp thể ẩn hoặc ung thư tuyến giáp thể nhú kích thước nhỏ, khu trú tại 1 thùy tuyến giáp.
Mục đích của cắt bỏ tuyến giáp ở giai đoạn đầu với ung thư tuyến giáp thể biệt hóa là:
- Giảm được nguy cơ tái phát tại chỗ, loại bỏ những ổ ung thư vi thể ở thùy giáp đổi bên.
- Hạn chế di căn xa và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh.
- Giúp sự hấp thụ I-131 của tế bào ung thư tuyến giáp còn lại được dễ dàng hơn. Làm tăng được hiệu quả của i-ốt phóng xạ.
1.2. Xạ trị trong với i-ốt phóng xạ
Các tế bào ung thư tuyến giáp thể biệt hóa có khả năng hấp thu iốt rất tốt. Do vậy, I-131 có thể được sử dụng hiệu quả sau khi phẫu thuật, nhằm mục đích hủy mô giáp lành còn lại sau phẫu thuật.
Tác dụng của I-131 đối với ung thư tuyến giáp thể biệt hóa:
- I-131 sau khi hấp thu vào sẽ phá hủy ADN và làm chết tế bào tuyến giáp.
- Diệt những ổ di căn nhỏ sau phẫu thuật.
- Diệt tổ chức ung thư tái phát, di căn.
- Tăng độ nhạy, độ đặc hiệu của các xét nghiệm theo dõi sau điều trị: Thyroglobulin (Tg), xạ hình toàn thân với I-131.
Cách điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn 1 này chỉ dành cho các loại ung thư thể biệt hóa (nhú, nang) có tính chất nhiều ổ, có xâm lấn tại chỗ, nồng độ Tg cao sau phẫu thuật cắt giáp toàn bộ và đặc biệt có di căn xa.
Việc điều trị phóng xạ bằng Iod 131 tương đối đơn giản, ít tác dụng phụ hơn điều trị xạ trị bằng máy xạ trị ngoài. Tùy vào lượng mô giáp cần phá hủy, bác sĩ sẽ đưa ra liều điều trị thích hợp. Điều trị bằng I-131 lần đầu được thực hiện sau mổ 4-6 tuần khi TSH ≥ 30µIU/l.
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân chưa cần dùng đến phương pháp xạ trị ngoài vì ung thư chưa di căn xa.
1.3. Điều trị nội tiết
Hầu hết các bệnh nhân ung thư tuyến giáp sau khi được phẫu thuật cắt một phần hay toàn bộ tuyến giáp đều được điều trị I-131 và hormon thay thế (levothyroxine hoặc liothyronine).
Phương pháp này vừa có tác dụng bổ sung hormon duy trì hoạt động của cơ thể, vừa có tác dụng làm giảm nồng độ TSH giúp duy trì bệnh ổn định lâu dài và hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư có nguồn gốc từ tuyến giáp.
Theo khuyến cáo của các nhà ung thư học Mỹ, liều hormon tuyến giáp nên dùng từ 50-200µg hàng ngày. Uống 1 lần vào 8 giờ sáng tùy theo từng bệnh nhân sao cho đạt được chỉ số TSH mong muốn duy trì trong khoảng 0.1- 2 mUI/l. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt giáp toàn bộ cần phải uống thuốc hormon tuyến giáp suốt đời.
2. Điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn 1 ở thể tủy
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp thể tủy hiệu quả trong giai đoạn 1 bao gồm phẫu thuật, xạ trị tia ngoài.
2.1. Phẫu thuật
Trong ung thư tuyến giáp thể tủy, các hạch bạch huyết có nguy cơ chứa ung thư lên đến 70%. Nguy cơ đó tăng lên theo kích thước của ung thư tuyến giáp thể tủy. Mặc dù bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể tủy có thể không xác định được hạch bạch huyết trên siêu âm hoặc CT scan, nhưng bóc tách hoàn toàn vẫn được chỉ định do tỷ lệ di căn hạch và tỷ lệ tái phát rất cao nếu không có biện pháp can thiệp này.
Đối với ung thư tuyến giáp thể tủy, phẫu thuật có mục đích loại bỏ hoàn toàn khối u và các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng, tăng hiệu quả điều trị.
2.2 Xạ trị tia ngoài
Xạ trị bên ngoài là một liệu pháp tại chỗ điều trị ung thư tuyến giáp thể tủy giai đoạn 1 sau phẫu thuật. Loại bức xạ này sử dụng một máy để cung cấp một chùm bức xạ cục bộ đến một vùng nhỏ của cơ thể. Chúng chỉ ảnh hưởng đến các tế bào ung thư ở các khu vực được điều trị.
Ung thư tuyến giáp thể tủy nhạy cảm với loại bức xạ này nên có thể dùng để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc kiểm soát sự phát triển của khối u. Xạ trị chùm tia bên ngoài thường được thực hiện khoảng 5 ngày/tuần, diễn ra trong vài tuần.
3. Điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn 1 ở thể không biệt hóa
Khác với thể biệt hóa (thể nhú và thể nang), thể không biệt hóa tuy chỉ chiếm khoảng 2% trong tất cả các loại ung thư tuyến giáp, nhưng có tiên lượng không tốt.
Tế bào ung thư tuyến giáp ở thể này phát triển với tốc độ rất nhanh. Do đó, khiến việc xâm lấn khí quản, di căn tới các tổ chức quan trọng trên cơ thể và làm mất chức năng của các cơ quan này nhanh chóng.
Đa số bệnh nhân có biểu hiện xâm lấn cục bộ lớn nên không thể phẫu thuật. Hiện nay các phương pháp điều trị đang được áp dụng phổ biến cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa là: Xạ trị, hóa trị hay xạ trị kết hợp hóa trị.
3.1. Xạ trị tia ngoài
Các tế bào ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa nhân lên nhanh chóng và không hấp thu i-ốt. Vì vậy, xạ trị tia bên ngoài được chỉ định cho tất cả các bệnh nhân ở thể này.
Xạ trị được thực hiện tốt nhất với phương pháp siêu phân đoạn, bao gồm 160 rads 2 lần/ngày, 3 lần/tuần trong 40 ngày, cung cấp tổng liều khoảng 6000 rads (60 Gy).
3.2. Hóa trị
Hai nhóm tác nhân gây độc tế bào có bằng chứng lớn nhất hỗ trợ việc sử dụng trong điều trị ung thư tuyến giáp không biệt hóa là anthracyclines và taxanes. Trong các thử nghiệm lâm sàng, các tác nhân này đã chứng minh tỷ lệ đáp ứng lên đến 50%, mặc dù đáp ứng thường thoáng qua.
Hóa trị đơn chất:
- Doxorubicin
- Paclitaxel
Hóa trị kết hợp:
Thuốc gây độc tế bào phổ biến nhất được sử dụng là doxorubicin hoặc kết hợp doxorubicin và cisplatin. Thêm bleomycin hoặc các tác nhân khác dường như không làm tăng hiệu quả.
Paclitaxel đã được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng hạn chế với một số cải thiện về tỷ lệ đáp ứng, nhưng không có tỷ lệ sống sót.
Các chiến lược điều trị mới, bao gồm liệu pháp nhắm mục tiêu với chất ức chế tyrosine kinase, liệu pháp gen ức chế hoặc các loại thuốc có thể gây ra sự ngừng chu kỳ tế bào đang được nghiên cứu thử nghiệm.
3.3. Xạ trị kết hợp hóa trị
Nhiều trung tâm kết hợp xạ trị với phác đồ hóa trị (thường là cisplatin hoặc doxorubicin). Một phác đồ điều trị tích cực như vậy nên được đề xuất cho những bệnh nhân có cơ hội kiểm soát cục bộ lâu dài cao.
Ở những người có tiên lượng chung xấu, tái phát tại chỗ mạnh và di căn xa, các biện pháp hỗ trợ giảm nhẹ nên là phương pháp điều trị chính.
4. Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu sống được bao lâu?
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, bệnh nhân ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu có tiên lượng sống sau 5 năm như sau:
Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu | Biểu hiện khối u | Tiên lượng sống |
Ung thư tuyến giáp thể nhú | Khối u xuất hiện tại các bộ phận ở tuyến giáp. | Gần 100% |
Ung thư tuyến giáp thể nang | Khối u vẫn chưa lan rộng, chỉ khu trú tại cơ quan tuyến giáp | Gần 100% |
Ung thư tuyến giáp thể tủy | Biểu hiện điển hình bằng nhân giáp không triệu chứng | Gần 100% |
Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa | Khối u to lên nhanh chóng, gây đau | Khoảng 31% |
Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và thể tủy có tiên lượng sống cao ở giai đoạn đầu gần 100% do các khối u còn nhỏ, chưa di căn xa, có thể phẫu thuật triệt để và đáp ứng điều trị tốt.
Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa tiên lượng sống thấp chỉ gần 30% ở giai đoạn đầu do các tế bào ung thư nhân lên nhanh, di căn đến nhiều cơ quan và kém đáp ứng với điều trị.
Ngoài ra, tiên lượng sống của ung thư tuyến giáp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tình trạng sức khỏe của bản thân bệnh nhân, tuổi tác, mức độ đáp ứng với điều trị và chế độ dinh dưỡng khi đang áp dụng các cách điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu.
Đối với những bệnh nhân trẻ, không có bệnh nền, đáp ứng điều trị tốt sẽ có tiên lượng sống cao hơn. Bên cạnh đó, dinh dưỡng đối với bệnh nhân ung thư cũng rất quan trọng, bệnh nhân cần được chăm sóc tốt về chế độ dinh dưỡng trước, trong và sau khi điều trị để quá trình điều trị đạt kết quả tốt nhất.
Xem thêm: Bệnh ung thư tuyến giáp có chữa khỏi được không?
5. Chi phí điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn 1
Chi phí điều trị ung thư tuyến giáp tốn kém, có thể lên tới trăm triệu nếu điều trị nhiều đợt và cao hơn nếu điều trị nhiều phương pháp. Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị sớm ở giai đoạn 1 thì sẽ giảm thiểu được đáng kể.
Chi phí điều trị ung thư tuyến giáp là chi phí tổng hòa của:
- Các phương pháp điều trị:
-
- Phẫu thuật: Trung bình khoảng 20 – 25 triệu VNĐ.
- Hóa trị: Trung bình khoảng 50 – 60 triệu VNĐ, phần lớn chi trả cho thuốc hóa trị.
- Xạ trị trong bằng I-131: Trung bình khoảng 3-5 triệu đồng, diễn ra 4-6 đợt.
- Xạ trị ngoài bằng tia xạ: Trung bình khoảng từ 1,5 triệu – 5 triệu/lần.
- Điều trị nội trú: Tùy thuộc vào gói dịch vụ mà bệnh nhân chọn lựa. Ví dụ với gói điều trị thường, chi phí này thường chỉ từ vài chục đến dưới 200.000đ/ ngày. Tuy nhiên, với các gói điều trị dịch vụ theo yêu cầu, chi phí viện phí có thể giao động từ vài trăm đến vài triệu/ ngày, tuỳ bệnh viện.
- Chi phí đi lại, sinh hoạt, ăn uống: Tiền đi lại của bệnh nhân (nếu không điều trị nội trú) và người nhà. Tiền ăn uống hằng ngày, đồ ăn tẩm bổ, các dụng cụ vệ sinh cá nhân, sinh hoạt.
- Chi phí khám định kỳ: Sau khi tiến hành các phương pháp điều trị, người bệnh cần thường xuyên thăm khám bệnh để đo lường hiệu quả điều trị, từ đó có điều chỉnh kịp thời, phát hiện nguy cơ biến chứng, tái phát…
- Các chi phí tái khám thường sẽ rẻ hơn so với chi phí khám ban đầu. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của bảo hiểm nên người bệnh có thể yên tâm hơn.
Các biện pháp giảm gánh nặng chi phí điều trị ung thư tuyến giáp cho bệnh nhân:
- Tầm soát ung thư tuyến giáp khi có dấu hiệu của bệnh hoặc thuộc đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh:
- Dấu hiệu của bệnh: Ở giai đoạn sớm, triệu chứng của bệnh rất nghèo nàn, có thể chỉ phát hiện ra bệnh khi đi khám định kỳ. Khi ung thư tuyến giáp có triệu chứng sẽ sờ thấy một khối u ở tuyến giáp, khàn tiếng; nuốt vướng khi u chèn ép vào thực quản; khó thở (khi u xâm lấn vào khí quản). Ở giai đoạn muộn hơn, có thể sờ thấy hạch cổ hoặc các triệu chứng của di căn xa như đau xương trong di căn xương…Những triệu chứng trên có thể là biểu hiện của nhiều bệnh khác, tuy nhiên khi có những triệu chứng này, nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa ung bướu hoặc nội tiết.
- Đối tượng nguy cơ cao: Các nghiên cứu cho thấy 70% bệnh nhân ung thư tuyến giáp có người thân trong gia đình (bố, mẹ, anh chị em,…) đã từng mắc bệnh. Những bệnh nhân bị bướu giáp, bệnh basedow có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn những người khác. Hay những phụ nữ tuổi từ 40-50 tuổi vì ở độ tuổi này sẽ sinh ra một loại hormon khiến làm tăng quá trình sản sinh các hạch, bướu ở tuyến giáp.
- Không tự ý điều trị tại nhà bằng các loại thuốc Đông y không rõ hiệu quả: Hiện nay trên thị trường quảng cáo và bán rất nhiều loại thuốc Đông, Tây y không rõ thực hư.Bệnh nhân và người nhà cần sáng suốt, cẩn trọng trước khi dùng các loại thuốc ngoài thị trường. Phải tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, phối hợp với bác sĩ để có kết quả điều trị tốt nhất.
- Tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT): BHYT sẽ giúp chi trả một phần chi phí khám chữa bệnh, giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Chi tiết: Cập nhật điều trị ung thư tuyến giáp bao nhiêu tiền?
Như vậy, chỉ khi áp dụng đúng phương pháp theo từng thể bệnh thì việc điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn 1 mới mang lại hiệu quả cao. Ung thư tuyến giáp là bệnh có tiên lượng tốt, điều quan trọng là bạn phải chọn được nơi khám chữa bệnh uy tín, chất lượng, tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Nếu cần tư vấn, hãy liên hệ ngay với Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt nhé!
Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
BS CKI Nội Ung bướu Đàm Thu Nga
Bác sĩ CKI
Với gần 30 năm bề dày kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn vững vàng, BSCKI Nội Ung Bướu Đàm Thu Nga – Giám đốc chuyên môn Phòng khám Đa khoa Hưng Việt luôn là “chỗ dựa” đáng tin cậy cho nhiều người bệnh và khách hàng khi đến thăm khám tại Hệ thống Y tế Hưng Việt. Bên cạnh các kiến thức chuyên môn giỏi, Bác sĩ Thu Nga còn là một người thầy thuốc rất tận tâm với nghề, hết lòng vì người bệnh. Rất nhiều người bệnh và gia đình người bệnh khi được bác sĩ Nga…