Tùy thuộc vào từng ca bệnh ung thư dạ dày mà khi điều trị bác sĩ có thể thực hiện cắt một phần hay toàn bộ dạ dày để loại bỏ khối u. Đây được coi là phẫu thuật lớn, nên việc chăm sóc, điều trị ung thư dạ dày sau mổ là vô cùng quan trọng. Hãy cùng Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt tìm hiểu về những lưu ý quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân ung thư dạ dày sau phẫu thuật qua bài viết dưới đây.
1. Chú ý theo dõi các biến chứng sau mổ
Phẫu thuật cắt dạ dày là một phẫu thuật có độ phức tạp cao. Vì thế sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ có nguy cơ gặp phải một số biến chứng như sau:
Chảy máu sau mổ: Thường gặp trong vòng 24 giờ đầu sau mổ. Nguyên nhân của chảy máu có thể do bác sĩ khâu nối chưa tốt hay do người bệnh vận động quá mạnh làm tuột mũi khâu. Tùy vào từng vị trí chảy mà các triệu chứng sẽ khác nhau. Cụ thể:
- Chảy máu vết mổ: Biểu hiện bằng gạc thấm nhiều máu, vùng vết mổ sưng nề. Để xử lý bác sĩ sẽ chỉ định băng ép hoặc khâu tăng cường vết mổ.
- Chảy máu miệng nối: Thường có biểu hiện đau bụng, nôn ra máu. Nếu mức độ nhẹ có thể dùng thuốc cầm máu, rửa dạ dày đến khi dịch trong trở lại. Nếu nặng hơn cần truyền máu, thậm chí phải mổ lại để cầm máu.
- Chảy máu trong ổ bụng: Người bệnh đau bụng dữ dội, co cứng thành bụng, nôn, bí trung đại tiện… Lúc này bác sĩ sẽ chỉ xử lý khẩn cấp bằng cách truyền máu và mổ cấp cứu để cầm máu.
Đầy bụng: Khi phẫu thuật, một phần dạ dày đã bị cắt đi, dạ dày nhỏ lại, chức năng của dạ dày không còn tốt như trước nên có thể khiến người bệnh cảm giác đầy bụng, nhất là sau khi ăn. Nếu gặp tình trạng này, người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn, ăn ít một và dùng các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.
Buồn nôn và nôn: Nguyên nhân là vì dịch mật tiết ra đi thẳng vào thực quản do dạ dày đã bị cắt. Để hạn chế sự trào ngược của dịch mật, người bệnh nên nằm đầu cao khi ngủ và tránh thực phẩm mùi khó chịu gây buồn nôn.
Tiêu chảy: Nguyên nhân vì dây thần kinh phế vị bị tổn thương khi phẫu thuật. Tình trạng tiêu chảy có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần. Người bệnh có thể dùng thuốc chống tiêu chảy để cải thiện.
DẤU HIỆU UNG THƯ DẠ DÀY QUA CÁC GIAI ĐOẠN
2. Thời gian phục hồi sau phẫu thuật phổ biến
Tùy vào từng phương pháp mổ ung thư dạ dày mà thời gian hồi phục cũng như chế độ chăm sóc điều trị ung thư dạ dày sau mổ sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:
2.1. Đối với người nội soi cắt bỏ niêm mạc
Nội soi cắt bỏ niêm mạc dạ dày là phương pháp hiện đại, được chỉ định khi khối u khu trú ở lớp niêm mạc dạ dày. Phương pháp này loại bỏ phần niêm mạc có chứa khối u qua ống nội soi đi từ miệng xuống dạ dày mà không làm tổn thương các lớp khác của dạ dày. Với phương pháp này, dạ dày được bảo tồn nên nguy cơ biến chứng sẽ thấp nhất trong các phương pháp phẫu thuật và thời gian hồi phục cũng rất nhanh.
Sau khi thực hiện cắt bỏ niêm mạc dạ dày, người bệnh có thể xuất viện sau 2 – 3 ngày với chức năng hệ tiêu hóa gần như bình thường. Tuy nhiên người bệnh vẫn cần thực hiện chế độ ăn khoa học để hạn chế sự tái phát ung thư. Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế đồ cay, nóng, đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn (giò, chả, xúc xích…).
2.2. Đối với người cắt một phần dạ dày
Phương pháp cắt một phần dạ dày được áp dụng trong trường hợp khối u khu trú ở phía trên hoặc phía dưới dạ dày. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ lấy đi phần trên hoặc phần dưới dạ dày cùng một số hạch bạch huyết lân cận, sau đó sẽ nối phần còn lại với nhau để phục hồi lưu thông.
Đây là phẫu thuật phức tạp nên thời gian nằm viện của người bệnh sẽ dài hơn, thường sẽ ở lại bệnh viện trong khoảng 1 – 2 tuần. Một số biến chứng sớm có thể gặp phải là chảy máu miệng nối, bục miệng nối, nhiễm trùng…
Với việc điều trị ung thư dạ dày sau mổ, người bệnh sẽ được đặt ống thông mũi dạ dày để loại bỏ chất lỏng do dạ dày tiết ra và nuôi dưỡng người bệnh sau phẫu thuật. Việc nuôi dưỡng được thực hiện bằng cả hai con đường là đường tĩnh mạch và qua ống thông. Khi vết thương lành, ống này sẽ được rút ra, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường nhưng phải kiêng đồ ăn cay, béo, nhiều đường.
Nếu không có biến chứng, người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn sau khi phẫu thuật khoảng 6 tuần. Trong thời gian này bệnh nhân phải tránh mang vác nặng và hoạt động gắng sức.
2.3. Đối với người cắt toàn bộ dạ dày
Phương pháp cắt toàn bộ dạ dày là một phẫu thuật rất phức tạp, được chỉ định khi khối u có kích thước lớn, chiếm gần như toàn bộ dạ dày.
Với phương pháp này toàn bộ dạ dày cùng hạch lân cận sẽ bị cắt bỏ, sau đó thực quản sẽ được nối với hỗng tràng để phục hồi lưu thông tiêu hóa. Do đó, nguy cơ xảy ra biến chứng cao, nhất là chảy máu, nhiễm khuẩn, hội chứng Dumping.
Người bệnh cắt toàn bộ dạ dày cũng cần thời gian phục hồi lâu hơn và chăm sóc sau phẫu thuật phức tạp hơn. Thời gian nằm viện của người bệnh vào khoảng từ 1 – 2 tuần hoặc lâu hơn và được theo dõi cẩn thận để phát hiện biến chứng và điều trị kịp thời.
Việc nuôi dưỡng cũng giống như khi phẫu thuật cắt một phần dạ dày, chế độ ăn sẽ từ lỏng đến đặc dần với số bữa ăn được chia nhỏ. Sau khi xuất viện, bệnh nhân cũng cần hạn chế dầu mỡ, thức ăn chua, cay, nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt và tránh hoạt động gắng sức trong khoảng 2 tháng để hồi phục hoàn toàn.
Có thể bạn quan tâm:
- Phẫu thuật trong điều trị ung thư dạ dày giai đoạn đầu
- Hiểu đúng về hóa chất điều trị ung thư dạ dày
3. Thực hiện chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý
Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt rất quan trọng đối với việc điều trị ung thư dạ dày sau mổ. Dinh dưỡng tốt và sinh hoạt hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình làm lành vết mổ và nâng cao sức đề kháng của bệnh nhân.
Chế độ dinh dưỡng cho từng giai đoạn sau mổ:
- 0 – 24 giờ sau khi mổ: Người bệnh được nuôi dưỡng bằng hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch nhưng phải đảm bảo đầy đủ protein, glucid, lipid với tổng năng lượng từ 20 – 25 kcal/kg/ngày, chất đạm từ 1,2 – 1,5 g/kg/ngày.
- 24 – 48 giờ sau khi mổ: Giai đoạn này nuôi dưỡng bằng đường tiêu hóa bắt đầu được khởi động nhưng nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch vẫn là chủ yếu, đường tiêu hóa chỉ chiếm 10 – 25%. Thức ăn cần ở dạng lỏng như sữa, súp, mỗi bữa chỉ ăn khoảng 30 – 50ml, chia nhiều bữa mỗi ngày nhưng vẫn cần đảm bảo 30kcal năng lượng/kg/ngày và 1,2 – 1,5 g chất đạm/kg/ngày.
- 2 – 3 ngày sau mổ: Người bệnh cần được tăng cường nuôi dưỡng bằng đường tiêu hóa phối hợp với đường tĩnh mạch. Thức ăn cần được chế biến dưới dạng mềm, lỏng, dễ tiêu hóa và cần chia thành nhiều bữa mỗi ngày (6-8 bữa), mỗi bữa khoảng 150 – 200 ml và cách nhau 3 – 4 giờ. Tổng năng lượng cần đảm bảo là khoảng 30 – 35 kcal/kg/ngày với 1,2 – 1,5 g chất đạm/kg/ngày.
- Hồi phục sau mổ: Người bệnh có thể ăn hoàn toàn bằng đường miệng. Đây là giai đoạn bệnh nhân cần nhiều dinh dưỡng nhất để nhanh chóng hồi phục. Nhu cầu năng lượng cần 35 – 40 kcal/kg/ngày, đạm cần 1,5 – 2 g/kg/ngày. Người bệnh cần được tăng cường trứng, sữa, thịt, cá, các loại hoa quả để bổ sung protein, vitamin, khoáng chất cần thiết.
Chế độ sinh hoạt, tập luyện:
- Thực hiện vật lý trị liệu, phục hồi chức năng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Trong quá trình phẫu thuật, người bệnh sẽ cần đặt nội khí quản nên có thể gây ảnh hưởng nhất định đến chức năng hô hấp. Vì thế sau khi mổ, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp phục hồi chức năng hô hấp, giúp phổi hoạt động tốt và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Mang vớ chân trong một vài tuần sau mổ để giúp máu ở chân lưu thông tốt, hạn chế nguy cơ hình thành cục máu đông.
- Tránh lái xe và vận động mạnh cũng như mang vác đồ nặng trong một vài tuần sau mổ để tránh làm tổn thương vết mổ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình làm lành tổn thương.
4. Kiểm tra sức khỏe, tái khám định kỳ
Khám định kỳ là việc làm cần thiết khi điều trị ung thư dạ dày sau phẫu thuật. Tái khám nhằm mục đích:
- Phòng ngừa tái phát: Ung thư dạ dày có thể tái phát sớm trong vòng vài tháng hay muộn sau nhiều năm, thậm chí sau hàng chục năm. Việc khám định kỳ giúp bác sĩ có thể tiên lượng được khả năng tái phát cũng như có những biện pháp để ngăn chặn sự tái phát của ung thư.
- Phát hiện sớm tái phát: Việc này sẽ giúp bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị kịp thời giúp kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Thông thường, điều trị ung thư dạ dày sau mổ, người bệnh nên tái khám định kỳ 3 tháng một lần hoặc khi có bất thường để kiểm tra toàn diện tình trạng sức khỏe cũng như phần dạ dày đã cắt.
5. Lưu ý khi sử dụng các sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư dạ dày sau phẫu thuật
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư dạ dày sau mổ, mỗi loại sẽ có các công dụng khác nhau. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý vài điều sau khi lựa chọn sử dụng các sản phẩm này:
- Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng: Các sản phẩm hỗ trợ sau mổ đôi khi có thể có tương tác xấu với các loại thuốc người bệnh đang dùng. Lúc này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, vì thế nếu có nhu cầu sử dụng thêm thuốc hỗ trợ, người bệnh cần hỏi ý kiến của bác sĩ.
- Không tự ý sử dụng thuốc theo kinh nghiệm truyền miệng: Nhiều loại thuốc theo dân gian đến nay chưa được khoa học chứng minh có thể hỗ trợ điều trị. Nếu người bệnh sử dụng bừa bãi các loại thuốc dân gian, không theo hướng dẫn của bác sĩ có thể sẽ gây ảnh hưởng đến vết thương hoặc dẫn tới ngộ độc, suy gan, suy thận…
Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt là một trong các địa chỉ uy tín tại Hà Nội về điều trị ung thư nói chung và ung thư dạ dày nói riêng, được nhiều bệnh nhân tin tưởng vì những ưu điểm nổi trội sau:
- Đội ngũ y bác sĩ là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ung bướu, đã và đang công tác tại các bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Quân Y 103…
- Trang thiết bị hiện đại, khuôn viên sạch sẽ, rộng rãi.
- Bệnh viện liên kết với nhiều hệ thống bảo hiểm giúp giảm tối đa chi phí cho người bệnh…
Liệu trình điều trị ung thư dạ dày sau mổ phụ thuộc nhiều vào phương pháp phẫu thuật được thực hiện. Nhưng điều quan trọng là bệnh nhân cần một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý và tái khám sức khỏe thường xuyên.
Nếu còn thắc mắc về điều trị ung thư dạ dày, vui lòng hãy liên hệ theo số điện thoại Hotline của Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt: 0942 300 707 để được tư vấn miễn phí.
Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Có thể bạn quan tâm:
- Tin tức & các chương trình khuyến mại tại Hưng Việt
- Theo dõi Fanpage cung cấp Kiến thức: Dấu hiệu nhận biết, phương pháp điều trị, cách phòng chống và phục hồi cho bệnh nhân: Fanpage của Hệ thống Hưng Việt
TS. BS Chuyên khoa Ngoại ung bướu Vũ Hải
Tiến sĩ, Bác sĩ
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1982, hoàn thành chương trình Nghiên cứu sinh tại Học viện Quân Y 2009 và là nguyên là Bác sĩ Chuyên khoa Ngoại Ung Bướu – Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện K Trung ương. Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Hải Với nhiều năm kinh nghiệm về khoa Ngoại Ung bướu chuyên: Khám, tư vấn, phát hiện sớm các bệnh ung bướu Phẫu thuật ung thư dạ dày, đại tràng, tuyến giáp, gan, mật Phẫu thuật u xơ tử cung, u nang buồng trứng