[CẨM NANG CHI TIẾT] Quy trình điều trị ung thư dạ dày

5/5 - (1 bình chọn)

Quy trình điều trị ung thư dạ dày bắt đầu bằng phương pháp chính là phẫu thuật nhằm loại bỏ khối u, sau đó hóa trị và xạ trị để bổ trợ. Hãy cùng Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt tìm hiểu rõ hơn về quy trình này trong bài viết dưới đây để yên tâm chữa trị nhé!

1. Quy trình phẫu thuật ung thư dạ dày

Phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong điều trị ung thư dạ dày, có ý nghĩa trong từng quy trình điều trị ung thư dạ dày.

  • Với ung thư dạ dày giai đoạn đầu, phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày giúp loại bỏ tế bào ung thư, tăng cơ hội điều trị khỏi hoàn toàn. Do lúc này khối u đang khu trú trong dạ dày và chưa di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Với ung thư dạ dày giai đoạn muộn, phẫu thuật tạm thời nhằm lập lại lưu thông cho đường tiêu hóa, giảm nhẹ các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, hẹp môn vị,… kéo dài cuộc sống cho người bệnh. Để tối đa hóa tác dụng điều trị, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật kết hợp xạ trị và hóa trị trước và sau phẫu thuật.
Phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong quy trình điều trị ung thư dạ dày
Phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong quy trình điều trị ung thư dạ dày

1.1. Bước 1: Trước quá trình phẫu thuật

Bệnh nhân cần có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi phẫu thuật ung thư dạ dày. Điều này nhằm đảm bảo quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi, hiệu quả hơn.

Trước ngày phẫu thuật, bệnh nhân cần thực hiện các hoạt động sau:

  • Khám tiền mê: Bệnh nhân sẽ làm xét nghiệm máu và khám sức khỏe tổng quát. Nhằm mục đích đánh giá được toàn thể các chức năng, từ nội tiết tới hệ tim mạch, hô hấp của bệnh nhân, để lựa chọn phương pháp và thời gian gây mê phù hợp. Chiến lược gây mê sẽ ảnh hưởng tới phương pháp phẫu thuật mà người bệnh được chỉ định.
  • Tắm bằng dung dịch sát trùng Betadine: Việc này được thực hiện vào đêm trước ngày mổ và sáng ngày mổ, là một trong các bước chuẩn bị vô khuẩn. Bệnh nhân được phát dụng cụ vệ sinh và tự tắm hoặc có hỗ trợ trước ngày phẫu thuật. Sau khi tắm, nhân viên y tế sẽ sát khuẩn lại lần nữa vùng da can thiệp mổ của bệnh nhân và băng lớp gạc vô khuẩn lên đó, sẵn sàng cho cuộc phẫu thuật hôm sau.
  • Cần nhịn ăn uống kể từ đêm trước ngày phẫu thuật: Bởi vì việc gây mê đòi hỏi đường tiêu hóa trên, đặc biệt là dạ dày rỗng. Điều này giúp tránh các biến chứng như tắc đường thở do trào ngược dịch – thức ăn từ dạ dày vào khí quản.

Một số phẫu thuật có gây tê tủy sống sẽ làm mất điều khiển cơ thắt hậu môn, dễ khiến bệnh nhân đại tiện sau khi giảm đau. Do đó người bệnh sẽ được thụt tháo làm sạch đường tiêu hóa trước mổ và nhịn ăn tối thiểu 6 tiếng trước phẫu thuật (tùy từng loại phẫu thuật mà thời gian này có thể thay đổi).

1.2. Bước 2: Lập kế hoạch phẫu thuật

Việc trao đổi và lên kế hoạch phẫu thuật sẽ giúp bệnh nhân có cái nhìn chính xác và chuẩn bị được tâm lý. Tùy vào giai đoạn ung thư dạ dày của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ quyết định dùng phương pháp và cách thức phẫu thuật phù hợp.

Các dạng phẫu thuật ung thư dạ dày thường được chỉ định là: Nội soi cắt bỏ niêm mạc, cắt bán phần dạ dày hoặc cắt toàn bộ dạ dày. Còn cách thức phẫu thuật thì bao gồm: cắt dạ dày mổ mở và cắt dạ dày nội soi.

Khi lập kế hoạch, bác sĩ cũng nói cho bệnh nhân biết những biến chứng khi phẫu thuật như: chảy máu, nhiễm trùng, áp xe, hẹp miệng nối… Việc nắm được các nguy cơ này giúp người bệnh có thể chuẩn bị tâm lý tốt hơn cũng như hiểu hơn về quy trình điều trị ung thư dạ dày.

1.3. Bước 3: Trong thời gian phẫu thuật

Các dạng phẫu thuật được thực hiện tùy theo tình trạng của bệnh nhân và chỉ định của bác sĩ, bao gồm:

  • Nội soi cắt bỏ niêm mạc: Áp dụng với các ung thư ở giai đoạn 1, khối u chưa xâm lấn qua lớp niêm mạc dạ dày và nội soi tiêu hóa có thể can thiệp lấy trọn vẹn khối u.
  • Cắt bán phần dạ dày: Áp dụng khi bệnh nhân có khối u nhỏ nằm ở phần dưới dạ dày. Lúc này, bác sĩ sẽ cắt đi phần dưới của dạ dày.
  • Cắt toàn bộ dạ dày: Áp dụng nếu bệnh nhân có khối u to, nằm ở giữa hay phần trên của dạ dày. Lúc này, bác sĩ sẽ lấy đi toàn bộ dạ dày rồi nối thực quản trực tiếp với ruột non.

Bên cạnh dạng phẫu thuật thì cách thức phẫu thuật cũng là một vấn đề quan trọng. Cách thức phẫu thuật là phương pháp bác sĩ tiếp cận và xử trí khối u, bao gồm:

  • Cắt dạ dày mổ mở: Bác sĩ sẽ cắt một đường dài giữa bụng (khoảng 10 cm) để lấy đi một phần hay toàn bộ dạ dày.
  • Cắt dạ dày nội soi: Bác sĩ sẽ cắt các lỗ nhỏ trên thành bụng (kích thước khoảng 1 cm mỗi lỗ), dùng dụng cụ nội soi để cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày.

Với phương pháp cắt dạ dày nội soi, bệnh nhân thường ít đau và nhanh hồi phục hơn. Tuy nhiên, với ung thư dạ dày tiến triển, cắt dạ dày mổ mở sẽ hiệu quả hơn so với cắt dạ dày nội soi.

1.4. Bước 4: Sau quá trình phẫu thuật

Bệnh nhân hậu phẫu có thể phải nhịn ăn một vài ngày để theo dõi miệng nối tiêu hóa. Sau khoảng thời gian trên, người bệnh bắt đầu tập ăn lại, vận động nhẹ để tránh tắc ruột sau mổ và bù dinh dưỡng để vết thương nhanh hồi phục.

Việc theo dõi quá trình điều trị cần được kéo dài từ 10 – 15 năm. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần giữ liên lạc với bác sĩ đã điều trị để được tư vấn và theo dõi tốt nhất.

Các xét nghiệm thường làm trong một buổi khám theo dõi sau phẫu thuật bao gồm: Siêu âm ổ bụng, chụp X-quang bụng, chụp CT bụng, kiểm tra marker ung thư trong máu…

2. Quy trình hóa trị ung thư dạ dày

Hóa trị liệu pháp bằng việc sử dụng các loại thuốc để phá hủy tế bào ung thư, nhằm ngăn chặn chúng phát triển và phân chia. Các thuốc này thường suy giảm quá trình phân bào, các tế bào ung thư phát triển và phân chia nhanh hơn các tế bào bình thường, cho nên hóa trị có tác động đến tế bào ung thư nhiều hơn.

Kế hoạch sử dụng hóa trị trong quy trình điều trị phụ thuộc rất lớn vào phân loại tế bào ung thư học của khối u nguyên phát. Trường hợp ung thư chưa di căn xa, hóa trị được sử dụng sau phẫu thuật để đảm bảo bệnh nhân không còn tế bào ung thư. Với các khối u quá lớn, xâm lấn vào tổ chức xung quanh, hóa trị tiền phẫu thuật được áp dụng nhằm thu gọn khối u, tăng tối đa lượng tế bào ung thư lấy được bằng phương pháp ngoại khoa.

Dưới đây là quy trình điều trị ung thư dạ dày bằng hóa trị.

2.1. Bước 1: Trước quá trình hóa trị

Hóa trị là phương pháp khá phổ biến trong điều trị ung thư. Tuy nhiên nhận thức về phương pháp này trong cộng đồng người dân thường không đầy đủ với những niềm tin sai lầm có thể ảnh hưởng tới quá trình điều trị.

Do đó khởi đầu của việc điều trị hóa chất là quá trình bác sĩ thăm khám và giải thích cho người bệnh về phương pháp, tiên lượng và các biểu hiện có thể xảy ra.

2.2. Bước 2: Lập kế hoạch điều trị hóa trị

Phác đồ điều trị ung thư dạ dày rất nhiều và chi tiết. Bằng các dữ liệu thu được từ quá trình phẫu thuật, sinh thiết, cận lâm sàng CT, MRI bác sĩ sẽ xác định giai đoạn khối u và phân loại mô học ung thư. Các thuốc và thời gian sử dụng thuốc tương ứng sẽ được lựa chọn cho bệnh nhân.

Vị trí truyền hóa chất có thể là truyền tĩnh mạch, đường uống, đường động mạch, trong phúc mạc hay màng bụng. Với các trường hợp cần điều trị hóa trị kéo dài, việc đặt các vị trí truyền cố định vào mạch lớn là cần thiết.

Thời gian hóa trị phụ thuộc vào phác đồ và đáp ứng với hóa chất của bệnh nhân. Qua việc khám và kiểm tra hàng ngày, bác sĩ có thể thêm hoặc giảm liều thuốc để đạt được mục tiêu điều trị. Ngoài ra cũng xác định các tác dụng phụ sẽ xảy ra để đưa ra phương án điều trị giảm nhẹ.

2.3. Bước 3: Trong thời gian hóa trị

Hóa trị là quá trình điều trị kéo dài, có thể tính bằng tháng. Trong thời gian này, việc theo dõi diễn biến điều trị và bồi bổ dinh dưỡng cho bệnh nhân là vô cùng quan trọng.

Trong quá trình này thì ngày hóa trị đầu tiên là quan trọng nhất:

  • Bệnh nhân làm quen với truyền hóa chất. Thời gian đầu có thể xuất hiện cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, đau ở vị trí truyền.
  • Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về các triệu chứng mình gặp phải do tác dụng phụ để có sự chăm sóc tốt nhất.

Cách thức hóa trị bao gồm:

  • Hóa trị truyền tĩnh mạch: Hóa chất đi vào cơ thể qua đường tĩnh mạch, thường được tiếp cận ở mạch cánh tay.
  • Hóa trị đường uống: Một số thuốc hấp thu tốt qua niêm mạc dạ dày có thể điều trị bằng việc uống thuốc hàng ngày.
  • Hóa trị trong phúc mạc hay màng bụng: Các giai đoạn ung thư di căn phúc mạc tạng hay phúc mạc thành bụng cần hóa chất tiếp xúc trực tiếp tại chỗ nhằm tối đa hóa hiệu quả điều trị. Đường truyền được thiết kế trực tiếp vào ổ bụng.
  • Hóa trị tại chỗ: Khá hạn chế trong điều trị ung thư dạ dày do bản chất tạng nằm sâu phía trong ổ bụng.

Với các phác đồ điều trị ung thư dạ dày bằng hóa chất dưới 1 tháng, việc truyền hóa chất bằng các đường tạm thời như truyền tĩnh mạch rất khả quan.

Tuy nhiên với các trường hợp cần xử lý nhiều đợt với thời gian nhiều hơn vài tháng, phẫu thuật tạo đường truyền cố định vào tĩnh mạch lớn là vô cùng cần thiết. Việc đặt được đường truyền cố định làm giảm các nguy cơ nhiễm trùng và viêm mạch khi truyền tĩnh mạch ngoại vi quá lâu.

Hóa chất điều trị ung thư dạ dày

2.4. Bước 4: Sau quá trình hóa trị

Bác sĩ sẽ rút hết các đường truyền tĩnh mạch ra khỏi người bệnh. Trong trường hợp sử dụng lưu giữ đường truyền, vị trí truyền sẽ được vô khuẩn, băng lại. Sau đó bác sĩ sẽ kiểm tra các tác dụng phụ của thuốc và hướng dẫn đợt điều trị kế tiếp. Quá trình điều trị thường kéo dài và cần theo dõi liên tục.

Hoá trị trong quy trình điều trị ung thư dạ dày
Hóa trị là phương pháp điều trị tốt cho người bệnh nhưng có các tác dụng phụ

3. Quy trình xạ trị ung thư dạ dày

Xạ trị là biện pháp tiêu diệt tế bào ung thư bằng sóng gamma, dựa trên nguyên tắc tập trung liều chiếu. Với ung thư dạ dày, phương pháp xạ trị có vai trò hỗ trợ làm giảm kích thước khối u trước mổ và loại bỏ tế bào ung thư còn lại sau phẫu thuật, tăng khả năng khỏi bệnh.

Xạ trị thường được sử dụng như một phương pháp điều trị bổ trợ. Với các bệnh nhân có khối u lớn xâm lấn xung quanh, từ 1 tới 2 liệu trình xạ trị có thể khiến khối u thu nhỏ kích thước, tạo thuận cho quá trình phẫu thuật.

Một số trường hợp sau phẫu thuật phát hiện di căn rộng, người bệnh được chỉ định xạ trị hậu phẫu nhằm tối đa hóa hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư.

Quy trình điều trị ung thư dạ dày bằng xạ trị:

3.1. Bước 1: Trước quá trình xạ trị

Xạ trị có tính chất khác biệt với phẫu thuật, vì thời gian tiến hành khá dài và các thay đổi trên người bệnh xuất hiện lần lượt chứ không cấp tính như mổ. Việc chuẩn bị kỹ trước quá trình xạ trị là rất quan trọng.

3.1.1. Thăm khám lần đầu

Bệnh nhân được tư vấn bởi bác sĩ xạ trị trước khi can thiệp nhằm đạt được hiểu biết cơ bản cùng thống nhất về mục đích điều trị.

  • Trao đổi với bệnh nhân về tác dụng và thời gian xạ trị để người bệnh sắp xếp công việc, chuẩn bị hậu cần.
  • Các tác dụng phụ có thể xuất hiện như rụng tóc, hoại tử da, các tác dụng phụ này có thể cải thiện sau khi xạ trị và cần được phát hiện để xử trí kịp thời.
  • Phân tích phim và lên kế hoạch, tạo mô hình xạ trị trên máy tính là bước quan trọng để xạ trị được tiến hành.

Bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân về kế hoạch điều trị bằng phương pháp xạ trị cùng những điều lưu ý khi thực hiện.

  • Yếu tố thời gian: Thời gian chiếu, các sự kiện xảy ra khi xạ trị cùng thời lượng xạ trị mỗi ngày, kéo dài bao nhiêu ngày.
  • Động viên tinh thần bệnh nhân, giải đáp thắc mắc trước khi thực hiện kỹ thuật.

3.1.2. Chụp CT mô phỏng (CT-Simulation)

Kế hoạch xạ trị sẽ bắt đầu với việc quét CT phần cơ thể bệnh nhân xạ trị, đánh giá khối và định dạng các chiều chiếu sao cho số lượng mô tổn thương trong quá trình điều trị là thấp nhất.

3.2. Bước 2: Lập kế hoạch xạ trị

Những hình ảnh CT-mô phỏng sẽ được sử dụng để lập kế hoạch điều trị. Bằng cách xác định các mốc giải phẫu và đo khoảng cách từ khối u tới các tạng quan trọng sẽ làm giảm tối đa các liều chiếu tổn hại tạng bình thường của người bệnh.

  • Thời gian xạ trị: Bác sĩ xạ trị sẽ quyết định số buổi điều trị cho bệnh nhân, có thể kéo dài tới vài tuần.
  • Những lưu ý, tác dụng phụ của xạ trị thường liên quan tới vị trí chiếu và liều chiếu, bao gồm: Đau đầu; rụng tóc; buồn nôn; nôn; mệt mỏi, kiệt sức; nghe kém; biến đổi trên da và da đầu; gặp khó khăn về trí nhớ và phát âm; co giật.

Việc nhận biết phát hiện sớm các tác dụng phụ giúp người bệnh sớm có điều trị triệu chứng tương ứng, giảm các khó chịu trong quá trình can thiệp.

3.3. Bước 3: Trong thời gian xạ trị

Bác sĩ sẽ giải thích và miêu tả quá trình xạ trị trước để bệnh nhân không lo sợ khi thực hiện. Một số cơ sở y tế có khung nền và âm nhạc giúp bệnh nhân thư giãn. Ngoài thời gian xạ trị, bệnh nhân điều trị nội trú như những người bệnh khác ở khoa phòng.

Buổi điều trị bằng xạ trị đầu tiên là quan trọng nhất. Đây được coi như bước đệm nên được chuẩn bị kỹ lưỡng và lâu hơn những buổi khác.

Cách thực hiện xạ trị:

  • Bệnh nhân nằm trên máy xạ trị, phần cơ thể được xạ sẽ cố định vào máy bằng hệ thống khung đã in sẵn từ trước.
  • Bác sĩ kiểm tra liều chiếu, vị trí chiều, giải thích thời gian và sự kiện xảy ra trong buổi chiếu.
  • Máy chiếu hoạt động.
  • Kết thúc liệu trình.

3.4. Bước 4: Sau quá trình xạ trị

Sau quá trình xạ trị là thời gian nghỉ ngơi hồi phục mô tế bào. Dinh dưỡng và sự thả lỏng trong tâm trí là vô cùng quan trọng với người bệnh. Một số tác dụng phụ của quá trình điều trị có thể biểu hiện ở giai đoạn này và cần sự theo dõi kỹ lưỡng của bác sĩ. Một số phác đồ có sử dụng xen kẽ những đợt xạ – hóa trị và phẫu thuật cần tuân thủ lịch hẹn khám lại.

Sau khi hoàn thành và được xác định điều trị thành công, người bệnh sẽ thăm khám kiểm tra các biến chứng và tái phát khối u theo định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Việc giữ một mối quan hệ chặt chẽ với bác sĩ điều trị là cần thiết để kiểm tra sức khỏe của bạn ngay khi có các bất thường.

4. Theo dõi sau điều trị ung thư dạ dày

Về cơ bản, chế độ theo dõi sau điều trị ung thư dạ dày phụ thuộc vào tiên lượng và mục đích điều trị.

  • Với những bệnh nhân điều trị tối đa, hướng tới mục đích khỏi hoàn toàn ung thư dạ dày, người bệnh cần tuân thủ kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện tình trạng tái phát để xử lý sớm nhất. Sau phẫu thuật cần phải khám mỗi quý/lần trong 3 năm đầu, sau đó khám 6 tháng/lần trong 2 năm tiếp theo và hàng năm trong những năm kế tiếp. Ngoài thăm khám lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng cần chỉ định bao gồm: công thức máu, chức năng gan, chụp tim phổi và nội soi dạ dày, đại tràng
  • Với những bệnh nhân điều trị giảm nhẹ, điều trị triệu chứng, mục đích tối đa là tăng chất lượng cuộc sống. Do đó người bệnh được khám lại khi có các dấu hiệu biến chứng hoặc không đáp ứng với các thuốc, phương pháp giảm đau đang dùng.
Quy trình điều trị ung thư dạ dày bằng xạ trị
Xạ trị là phương pháp hỗ trợ tốt trong điều trị ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày dù là một bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhưng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự tận tâm và năng lực các y bác sĩ khiến tiên lượng điều trị ngày một cải thiện.

Việc thăm khám, lên phác đồ điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư dạ dày không hề đơn giản mà cần sự phối hợp của đa chuyên khoa, đa mô thức, từ thuốc uống, truyền, phẫu thuật tới các biện pháp xạ trị, hóa trị, áp lạnh…

Như vậy qua bài viết trên bạn đã biết được quy trình điều trị ung thư dạ dày ngày càng hiện đại, đòi hỏi sự kết hợp đa mô thức của các phương pháp như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị để tăng hiệu quả cho bệnh nhân. Để được tư vấn hỗ trợ khám và điều trị ung thư dạ dày tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, hãy liên hệ theo hotline 094 230 0707 hoặc

Fanpage: https://www.facebook.com/HungVietHospital.VN.

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỆ THỐNG Y TẾ HƯNG VIỆT

Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt

Phòng khám Đa khoa Hưng Việt

CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH HƯNG VIỆT
ĐKKD số: 0105532379 – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/09/2011
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 29/BYT – GPHĐ do Bộ y tế cấp ngày 29/01/2013

DMCA.com Protection Status

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HƯNG VIỆT

Số 34 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HƯNG VIỆT

Số 40 Đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

HOTLINE 

024 6250 0707 – 0942 300 707

info@benhvienhungviet.vn

Facebook Fanpage Youtube Chanel
Copyright 2021 © Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt